Bó bột: Khái niệm, quy trình thực hiện và kết quả • Hello Bacsi

Vậy bó bột được thực hiện như thế nào và làm sao chăm sóc vị trí bó bột hiệu quả? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

Tìm hiểu chung

Bó bột là gì?

Sau khi xương bị gãy, vị trí xương này cần được nghỉ ngơi và hỗ trợ đúng cách để lành lại. Bác sĩ chỉnh hình thường dùng phương pháp bó bột để bảo vệ vị trí xương bị tổn thương. Đây là phương pháp nhằm bất động xương gãy, giữ cho xương tránh di chuyển, thúc đẩy quá trình liền xương và hồi phục phần mềm, ngăn ngừa hoặc giảm các cơn co thắt cơ bắp, hạn chế tổn thương thêm. Một số bác sĩ có thể kết hợp bó bột và nẹp nếu người bệnh gặp chấn thương hoặc có phẫu thuật về cả xương và gân, khớp.

Bó bột có nhiều kiểu, hình dạng và kích cỡ nhưng 2 loại vật liệu phổ biến nhất được sử dụng là thạch cao (màu trắng) và sợi thủy tinh (có nhiều màu sắc, hoa văn và kiểu dáng). Bên trong có lót bông và các vật liệu tổng hợp khác nhằm tạo độ mềm mại, hỗ trợ làm lớp đệm xung quanh các khu vực xương như cổ tay hoặc khuỷu tay. Dưới lớp bột bằng sợi thủy tinh thường có lớp lót chống thấm đặc biệt phòng trường hợp bị ướt.

Tuy có thể khiến người bệnh không thoải mái và thậm chí có phần cồng kềnh, bó bột lại là phương pháp đơn giản và hiệu quả trong điều trị gãy xương.

Khi nào bạn cần thực hiện bó bột?

Hầu hết các trường hợp gãy, rạn nứt xương nhẹ và không phải vị trí nguy hiểm thì đều có thể thực hiện bó bột. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng áp dụng để cố định xương cho người sau phẫu thuật chỉnh hình. Đối với trường hợp chấn thương, bác sĩ có thể dùng nẹp để giảm sưng trước khi bó bột.

Trong quá trình sử dụng có thể cần phải thay bột mới vì vùng bị thương sẽ giảm sưng, khiến vị trí bó bột không còn vừa vặn. Trong trường hợp đó có thể dùng nẹp thay thế bó bột để giúp người bệnh thoải mái, linh hoạt hơn.

Quy trình thực hiện

Quy trình bó bột

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Người bệnh sẽ được thăm khám kỹ trước khi bó bột nhằm hạn chế tối đa các biến chứng. Trong đó, người bệnh được đo mạch, huyết áp, kiểm tra dấu hiệu mất máu, kiểm tra tri giác (dựa trên thang điểm Glasgow), nhịp thở.

Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được kiểm tra:

  • Các rối loạn cơ tròn (khi gãy cột sống) để phòng tổn thương tủy
  • Các tổn thương phối hợp
  • Các tổn thương ở các tạng khác: sọ não (tri giác), ngực (khó thở, rối loạn nhịp thở), bụng (đau bụng, chướng bụng, bí trung đại tiện…), tiết niệu (tiểu ra máu, tiểu tiện không tự chủ được…)
  • Tổn thương ở các chi khác

Trong khi thực hiện

Trước khi mang bột, vùng tổn thương sẽ được băng thun vớ stockinette (tất lót bó bột). Sau đó, một lớp đệm làm bằng bông hoặc một chất liệu mềm khác được quấn quanh để tăng cường bảo vệ da và tạo độ đàn hồi, hỗ trợ quá trình hồi phục.