Các loại nấm ăn được tại Việt Nam | Vinmec

Nấm rơm

Nấm rơm là một trong số những loại nấm ăn được quen thuộc và phổ biến trong chế biến món ăn, nấm rơm được nuôi trồng hoặc mọc tự nhiên từ các đống rơm rạ, thường có màu xám trắng, xám, xám đen. Kích thước tùy thuộc từng loại nấm rơm khác nhau.

Nấm rơm rất giàu dinh dưỡng, nấm rơm chứa nhiều vitamin A, B1, B2, D, E, PP, C và các axit amin.

Nấm kim châm

Nấm kim châm còn được gọi là nấm kim chi hay nấm giá, là một loài nấm màu trắng hoặc vàng nhạt, mọc thành từng cụm đều nhau như hình sợi. Nấm kim châm được sử dụng nhiều trong ẩm thực các nước châu Á, đặc biệt là có mặt trong các món lẩu.

Nấm kim châm khi nấu chín sẽ có độ mềm, dai, giòn và mùi hương nhẹ, ăn vào sẽ thấy vị ngọt, mát.

Nấm hương

Nấm hương hay còn gọi là nấm đông cô, nấm trưởng thành có màu nâu sậm, đường kính khoảng 4 – 10 cm. Nấm hương có một chân hình trụ đính vào giữa tai nấm.

Nấm hương thường mọc ký sinh trên những cây lá to và thay lá mỗi mùa như dẻ, sồi, phong. Loài nấm này mọc hoang nhiều ở Việt Nam và các nước Châu Á. Khi được nấu chín, nấm hương sẽ có mùi thơm đặc trưng, làm cho món ăn trở nên hấp dẫn.

Nấm tai mèo

Nấm tai mèo hay còn gọi là mộc nhĩ đen và thường được gọi tắt là nấm mèo. Nấm mèo có nét đặc trưng là có hình dáng tựa như tai con người, thường có màu nâu sẫm đến đen.

Chúng thường mọc trên các thân cây mục, có kết cấu tựa cao su, khi chế biến thành các món ăn sẽ có độ dai giòn. Nấm mèo được sử dụng phổ biến trong ẩm thực Châu Á.

Nấm hầu thủ

Nấm hầu thủ hay còn gọi là nấm đầu khỉ, thường hình cầu hoặc hình bầu dục, mọc riêng lẻ hoặc thành từng chùm, có tua nấm dày đặc rũ xuống như đầu khỉ, lúc già tua dài và chuyển sang màu vàng trông như bờm sư tử, cũng vì đặc điểm này mà chúng còn tên gọi khác là nấm bờm sư tử.

Nấm đầu khỉ đang được nuôi trồng nhân tạo tại nhiều quốc gia bởi không chỉ là loại thực phẩm đơn thuần, nấm đầu khỉ còn được đánh giá là loại dược liệu mang nhiều giá trị.

Nấm mỡ

Nấm mỡ không những là một loại nấm ăn được mà chúng còn có thể ăn sống. Chúng có nguồn gốc bản địa từ vùng đồng cỏ ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Khi chưa trưởng thành nấm mỡ có màu trắng và nâu cả hai đều có những cái tên khác nhau. Hiện nay, nấm mỡ được trồng ở hơn bảy mươi quốc gia, bởi giá trị dinh dưỡng và mùi vị thơm ngon, dễ dàng chế biến chúng được xem một trong những loại nấm phổ biến rộng rãi và tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới.

Nấm thái dương

Nấm thái dương có nguồn gốc ở Brazil, không chỉ được biết đến như một trong những loại nấm ăn ngon mà chúng còn có giá trị dược tính rất quý. Nấm thường có màu nâu hồng ở mũ, cuống trắng hình trụ, đường kính mũ khi còn búp là 3 – 4cm, khi nở có thể đến 8cm.