CHĂN TRÂU – Diệu Huyền – THIỀN – NgocBao



Chăn
trâu

 

 

 “Ai
bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ..

Ngồi
mình trâu phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao..”



 Bài hát chăn trâu này là một bài hát quen thuộc
ở miền nam Việt Nam trong những năm 1950-1970, đến nỗi gần như ai cũng có thể
thuộc và hát được, vì tiết điệu và lời hát giản dị, vui tươi, gợi lên một thời
kỳ êm ả, với những thú vui mộc mạc của đời sống đồng nội.

 Thế nhưng không phải chăn
trâu lúc nào cũng dễ dàng và thảnh thơi như vậy. Trâu có thể là là một con vật đắc
lực nhất cùng sát cánh với người nông dân trong công việc đồng áng nặng nhọc,
nhưng cũng thuộc về giống dữ, nếu chưa thuần hóa sẽ phải bỏ rất nhiều công sức
ra mới chế ngự được nó. Riêng đối với đạo Phật, trâu còn mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là hình ảnh của đạo tâm,
và thường được nhắc đến trong ngôn ngữ của Thiền. Chúng ta thường nghe nói “cưỡi trâu đi tìm trâu”-
đang ở trên lưng trâu mà đi tìm trâu ở ngoài, làm sao thấy được trâu? Điều đó cũng giống như là đem tâm đi tìm tâm –
đang ở trong tâm mà muốn đi tìm tâm, làm sao thấy được tâm. Giai thoại nổi tiếng của Huệ Khả và sơ tổ Thiền
Tông Bồ Đề Đạt
Ma đã nói lên điều này.

 

Huệ Khả một hôm thưa với thầy rằng :

– Bạch thầy, tâm con không an, xin thầy chỉ cho con cách yên tâm.

Đạt Ma nói :

– Đem tâm đây ta an cho.

Huệ Khả xoay lại tìm tâm, quán chiếu đến cùng, chẳng thấy tâm đâu, bèn nói :

– Bạch thầy, con không thấy tâm ở đâu cả.

Đạt Ma nói :

– Ta đã yên tâm cho ngươi rồi.

Một giai thoại nổi tiếng khác của Thiền tông về trâu, cũng là một câu thoại đầu để suy ngẫm, là câu nói của thiền sư Linh Hựu ở núi Quy Sơn. Một hôm sư thượng đường bảo chúng :

– Sau khi lão Tăng trăm tuổi đến dưới núi làm một con trâu,
hông bên trái viết năm chữ « Quy Sơn Tăng Linh Hựu » . Khi ấy gọi
là Quy Sơn Tăng hay gọi là con trâu ? Gọi là con trâu hay gọi là Quy Sơn
Tăng ? Gọi thế nào mới đúng?

Tướng trâu và tướng Tăng, đâu mới là thực tướng của Quy Sơn Linh Hựu ? Đó là câu hỏi mà vị thiền sư đã đặt ra cho tất cả chúng ta.

Một công án khác nổi tiếng của Thiền tông là công án « Con trâu đi qua hành lang cửa số ». Con trâu to lớn lực lưỡng đã chui lọt thân mình qua được hành lang cửa số, nhưng chỉ vì một cái đuôi nhỏ bé mà bị mắc kẹt. Làm sao lý giải được sự không bình thường này ?

 

Trâu tượng trưng cho Tâm. Trâu chui lọt thân mình qua hành lang cửa số ví như tâm đã được chuyển hóa từ vô minh qua giác ngộ, nhưng vẫn không liễu ngộ được vì còn một chút ít gì vướng mắc. Sự vướng mắc ấy, dù nhỏ đến đâu, cũng vẫn là chướng ngại cho sự giác ngộ. Câu vấn đáp cho mỗi người về sự vướng mắc của mình chỉ được tìm thấy qua kinh nghiệm tay nghề tự tu tự chứng, không phải là một công thức chung cho mọi người.

 Làm
sao trâu lại được ví với tâm ? Trâu là con vật có thể rất dữ, nhưng cũng có
thể rất hiền nếu đã thuần phục được nó. Một tâm buông lung theo vọng tưởng điên
đảo ví như con trâu hoang, nếu không biết chế ngự sẽ tạo bao nhiêu nghiệp ác, gây
tổn hại cho bản thân và tha nhân. Trong
thiền môn có pháp tu chăn trâu, ngụ ý phải chăn dắt tâm mình như chăn dắt trâu
vậy, cho đến khi hoàn toàn chế ngự được tâm thì tâm sẽ được an định, và tự đó sẽ
trở thành một suối nguồn an vui lợi lạc.

 

Nổi tiếng nhất là mười bức tranh chăn trâu, còn được gọi là « Thập Mục Ngưu Đồ », hoàn toàn có thể xem như một bộc lộ cô đọng nhất, tinh tuý nhất của pháp môn tu tâm. Các bức tranh chăn trâu được sáng tác trong thời nhà Tống ( 960 – 1279 ) và ngay từ đầu đã được xem như những bức họa tiêu biểu vượt trội, trình bầy tinh hoa, cốt tủy của Thiền tông. Có nhiều bộ tranh chăn trâu khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất là hai bộ tranh chăn trâu của Thanh Cư và Quách Am.

Bộ tranh chăn trâu của Thanh Cư được coi như tranh Đại Thừa gồm sáu bức, tiên phong thiền sư Thanh Cư vẽ có năm bức nhưng sau đó thiền sư Tự Đắc vẽ thêm bức thứ sáu. Trong bộ này, con trâu tiên phong toàn mầu đen, rồi trổ trắng dần qua từng bức tranh, từ trên đỉnh đầu, rồi lan qua mình, cho đến chót đuôi. Trâu đen tượng trưng cho tâm si mê, chìm lấp trong lớp bùn lầy của vọng tưởng, từ từ qua công phu tu tập, gạn lọc được những lớp vỏ trần cấu phủ bọc mà trâu đen trở thành trâu trắng, tượng trưng cho chân tâm thanh tịnh. Đây là pháp môn tu tiệm theo giới định tuệ, xử dụng công phu theo từng nấc thang.

 

Bộ tranh chăn trâu của thiền sư Quách Am Sư Viễn gồm mười bức, được coi như là tranh của Thiền tông, miêu tả xa hơn quy trình công phu của một hành giả từ lúc khởi đầu tu tâm cho đến khi giác ngộ viên mãn. Tiến trình của mười bức tranh hoàn toàn có thể nói sơ lược như sau :

 chan_trau_1-content 

Bức thứ nhất : Mục đồng đi tìm trâu. Tìm trâu ở đâu ? Chung quanh chỉ là rừng sâu núi thẳm, nẻo dọc đường ngang, mục đồng tìm kiếm mệt nhoài mà chỉ nghe tiếng ve sầu réo rắt.

 

chan_trau_2-content 

Bức thứ hai : Thấy dấu vết trâu. Sau bao nhiêu sức lực lao động, mục đồng đi đến ven rừng bến nước, vạch cỏ ruồng cây, bỗng thấy dấu chân trâu hiện ra.

 chan_trau_3-content 

Bức thứ ba : Thấy thân trâu. Mục đồng đến nơi cảnh trí tươi mát, chim hót trên cành, nắng ấm gió hòa, bờ liễu xanh, thì ra trâu vẫn sừng sững ở đó mà không thấy.

chan_trau_4 

Bức thứ tư : Bắt trâu. Mục đồng chụp lấy trâu, rồi xỏ mũi, cột cổ, đập đánh, canh chừng không để trâu xổng ra, dũng mãnh quyết thắng trâu.

 

chan_trau_5 

Bức thứ năm : Chăn trâu. Lần lần trâu thuần tánh, mục đồng buông roi mà trâu vẫn đi theo như bóng với hình.

chan_trau_6 

Bức thứ sáu : Cưỡi trâu về nhà. Mục đồng thư thả cưỡi trâu về nhà, miệng thổi sáo, ca hát líu lo, cả người lẫn trâu đều vui tươi.

Nói về ý nghĩa từ bức thứ nhất đến bức thứ sáu, cũng là hàng loạt sáu bức tranh của Đại thừa, hoàn toàn có thể tóm gọn như sau :

 Con
người sống buông lung theo vọng tưởng để rồi chìm đắm trong ngoại cảnh, tâm đi
lạc hướng theo những cảm xúc mà không chủ động, không nắm bắt được nên không
thoát được phiền não, một lúc nào đó tỉnh ngộ muốn đi tìm lại tâm. Lúc đó như
chú mục đồng đi tìm trâu, từ bao lâu nay để mất trâu, đến lúc đi tìm thì như lạc
vào trong rừng rậm. Tìm tâm cũng như đi vào rừng rậm, trùng trùng lớp lớp vọng
tưởng bao quanh không biết đâu là dấu vết của tâm. Thế nhưng sau bao công phu
kiên trì, quen quán chiếu tâm rồi thì bắt đầu dần dần lìa được vọng tưởng, không
còn bị vọng tưởng vây hãm như trước, khu rừng rậm của tâm đã quang đãng dần để
biến thành cảnh giới an vui với suối trong gió mát, chim hót hoa nở. Lúc đó mục
đồng thấy trâu cũng như hành giả đã thấy được tâm, trong nhà Thiền gọi là Kiến
Tánh, vì tâm cũng chính là tánh trong Thiền môn. Tuy nhiên, những tập khí, thói
quen sâu dầy xưa nay vẫn còn chưa dứt bỏ được, nên hành giả phải tinh tấn dũng
mãnh thúc liễm con trâu tâm chưa thuần thục qua ngọn roi trí tuệ và sự thấy biết
quang minh của Tánh Giác. Khi đã làm chủ
được tâm rồi thì tâm không còn đi theo cảnh mà theo người, hay nói cách khác,
người không còn chạy theo cảnh mà cảnh theo người, người và tâm đều an vui, vững chãi trong căn
nhà ngũ uẩn của mình.

Tranh chăn trâu của Đại thừa tới đây là hết, nhưng tranh chăn trâu của Thiền tông còn đi xa hơn tới tận căn nguyên, với bốn bức sau : chan_trau_7 
Bức thứ bẩy : Quên trâu còn người. Cỡi trâu về nhà rồi, việc đã xong, mục đồng quên trâu mà buông roi, nằm ngủ rảnh rỗi không âu lo. Tâm đã định, nên hiện rõ căn nguyên của Tâm vốn là Không. Tâm không nên không còn vướng mắc, mọi phiền não tan biến. Tuy nhiên vẫn còn thấy có tướng mình, tướng người ( tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả ).

chan_trau_8

Bức thứ tám : Người, trâu đều quên. Biểu hiện bằng một vòng tròn trống không, không thấy có trâu và người trong đó. Roi gậy, người trâu thẩy đều tan biến. Đến đây hành giả đã lìa được mọi tướng, không còn thấy tuớng mình, tướng người mà ở trong cái thấy biết vô tướng, vô ngã của trí huệ bát ngát Bát Nhã, không phân biệt trong ngoài. Đây là tiến trình của sự chiếu kiến ngũ uẩn thấy « Sắc tức thị Không ».

chan_trau_9 Bức thứ chín :
Trở về nguồn cội. Tới đây trong tranh lại
hiện ra cảnh thiên nhiên chim bay, gió thổi, với lá rụng về cội, nước chẩy về nguồn. Bao lâu
nay nhọc công đi tìm, khi trở về nguồn cội thì thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là
sông. Từ « Sắc tức thị Không », hành giả thấy « Không tức thị Sắc »,
tuy ở trong Không nhưng vẫn thấy những hiện tượng trước mắt hiển hiện, sinh diệt,
biến chuyển và tuần hoàn. Suối vẫn reo, nước vẫn chẩy, giòng đời vẫn trôi như
thế, tất cả đều bất biến trong sự chuyển biến, hằng thường trong sự vô thường.

 Trong
am chẳng thấy ngoài vật khác

 Nước
tự mênh mông, hoa tự hồng

 

 chan_trau_10 Bức thứ mười : Thõng tay vào chợ. Mục đồng từ nay đã biến thành nhàn đạo nhân đi vào chợ đời, cầm xâu cá, bầu
rượu thảnh thơi đi về nhà. Đi chân đất,
ngực lấm bùn đất vẫn nở nụ cười, đói ăn mệt ngủ, không có gì phải tìm kiếm, không
có gì làm cho mê hoặc, mọi sự đều được nhìn thấy trong thực tướng Như Như của
chúng. Đó là cảnh giới của tâm Viên Giác, nhưng cũng là một cảnh giới rất bình
thường của một con người bình thường. Đạo hiển hiện ngay trong cái đơn giản bình
thường của đời sống hàng ngày. Không cần phải tìm bí quyết thần tiên ở nơi xa xôi
nào, trong khắp pháp giới trước mắt những điều kỳ diệu vẫn hiển lộ tràn đầy.

 Bí quyết thần tiên đâu cần đến

 Cây khô cũng khiến nở hoa lành.

 


 Mười bức tranh chăn trâu cho ta thấy phần nào những nét
chính trong quá trình của một hành giả từ bước khởi đầu đến giác ngộ, tuy nhiên
ngôn từ giới hạn không thể nào diễn giải hết được ý nghĩa thâm diệu của những bức
tranh này, mà phải có công phu tu tập mới thể nhập được. Nhưng xét cho cùng, chân lý vốn không phải là
những gì xa xôi ở ngoài thế giới này, mà chính là những điều bình thường trong
cuộc sống trước mắt. Chỉ vì tâm con người
luôn luôn tìm kiếm, luôn luôn mong cầu, nên thường tạo ra cho mình những ảo ảnh, những mục tiêu xa vời, để rồi
không thoát khỏi phiền não . Tổ Đạt Ma nói :
« Đừng yêu sinh tử, cũng đừng ghét sinh tử ». Còn yêu còn ghét là còn
chưa hiểu được sinh tử, và vẫn mãi chìm đắm trong biển khổ luân hồi. « Bình
thường tâm thị Đạo », trở về với bình thường là trở về với trạng thái tự
nhiên, không còn vọng tưởng, không còn điên đảo – mưa đã tạnh, gió đã tan, mặt
hồ lại trở về tĩnh lặng như muôn thuở, đó là trạng thái tự nhiên của hồ, như tâm
không vọng tưởng là trạng thái tự nhiên của tâm. Hành giả thõng tay vào chợ không chối bỏ đời
sống thế gian, cũng không đắm mê theo cuộc thế, như chiếc thuyền có người lái
trên giòng sông sinh tử, dù qua bao khúc
quanh gập ghềnh hay những lúc êm đềm chẩy trôi, cũng vẫn ung dung đi tới trước,
vì đã biết được chốn về. 

 Từ
xưa đến nay, trong thế gian này có biết bao nhiêu người đã giác ngộ nhưng họ vẫn
là con người bình thường, sống cuộc sống bình thường như tất cả mọi người. Các
vị tổ nói : « Phàm nhân trở thành thánh nhân vẫn không đổi mặt, cá biến
thành rồng vẫn không thay vẩy ». Chỉ khác một điều là người mê thì bị cuốn
hút theo cảnh, còn người đã tỉnh mộng thì tuy ở trong cảnh nhưng vẫn lìa được cảnh. 

 Tìm lại
được con Trâu tâm và làm chủ được nó tức là làm chủ được vận mệnh của mình vậy.

Diệu Huyền


(Mùa xuân Kỷ Sửu, 2009)