Bí mật không hề dễ chịu về loài bướm: Phía sau vẻ ngoài sặc sỡ xinh đẹp là những hành vi hãm hiếp, ăn thịt nhau để duy trì sự sống

Trong bài viết trên tờ tạp chí National Geographic, tác giả Erika Engelhaut đã từng khẳng định con người đã bị loài bươm bướm “dối lừa” trong nhiều thế kỷ qua. Hình ảnh những cánh bướm mỏng manh, yếu ớt, rực rỡ sắc màu rập rờn trong những vườn hoa để hút mật trông vô cùng đáng yêu và lãng mạn đến nỗi đi vào thơ ca của các nhà sáng tác nghệ thuật. Tuy nhiên, có một vài sự thật về loài vật nhỏ bé, xinh đẹp này khiến nhiều người phải kinh ngạc.

Bướm ăn gì để sống?

Bướm là loài côn trùng ẩn giấu nhiều điều thú vị trong vòng đời. Quá trình sinh trưởng và phát triển của loài bướm là một vòng tuần hoàn khép kín: Trứng – Ấu trùng – Sâu bướm – Nhộng (nhộng tạo kén) – Bướm. Các loài bướm ở giai đoạn trưởng thành có thể sống từ 1 tuần đến gần 1 năm. Chúng giao phối, đẻ trứng và lại bắt đầu một vòng đời mới.

Ấu trùng của bướm ăn vỏ trứng ngay sau khi nở, sâu bướm ăn lá cây để sống, nhộng thì không ăn gì, còn những con bướm thường dùng vòi dài hút mật hoa để sống.

Sự thật đơn giản vậy ai cũng biết, tuy nhiên thực tế thì nhiều loài bướm lại không chỉ hút mật hoa mà còn ăn cả xác chết, bùn hoặc chất thải động vật. Đôi khi mồ hôi của con người, nước mắt của rùa và cá sấu cũng là món ăn yêu thích của loài bướm. Chúng hút chất lỏng bên trong những thứ đó vì có chứa natri làm tăng khả năng sinh sản của loài bướm.

Vậy nên, nếu có con bướm nào đậu vào người bạn thì cũng đừng tưởng là mình thơm tho đến mức thu hút cả sự chú ý của loài bướm. Và cũng đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy cả đàn bướm thi nhau xúm vào một xác chết của con vật nào đó hoặc thậm chí là một bãi phân.

Những con bướm nhỏ màu vàng ăn phân voi trong Công viên quốc gia Tsavo West ở Kenya.

Một con bướm không thể sống nhờ mật hoa mà nó cũng cần cả khoáng chất. Vậy nên những con bướm thường xuyên “nhâm nhi” ở các vũng nước bùn giàu khoáng chất và muối. Hành vi này, được gọi là “puddling”, đặc biệt là những con bướm đực. Cơ thể chúng tổng hợp các khoáng chất vào tinh trùng. Những chất dinh dưỡng này sau đó được chuyển giao cho bướm cái trong thời gian giao phối, và giúp khả năng tồn tại của trứng được lâu hơn.

Bướm cũng có nọc độc?

Cũng như bao loài khác đang sinh sống trên Trái đất, những con bươm bướm cũng có góc tối trong cuộc đời, và chúng đã sống một cuộc sống che giấu mà con người hầu như không hề hay biết. Điều đầu tiên có thể kể đến là màu sắc của những con bươm bướm. Vẻ ngoài xinh đẹp thật ra có thể là một lời cảnh báo.

Lấy ví dụ là loài bướm vằn cánh dài Heliconius charithonia. Nhìn qua thì loài này cũng thật “hồn nhiên” như bao con bướm khác nhưng chúng là loài có độc nổi tiếng. Thậm chí, ở giai đoạn sâu bướm, chúng còn có thói quen “ăn thịt” anh em đẫn đến cảnh huynh đệ một nhà tương tàn.

Loài bướm vằn cánh dài Heliconius charithonia.

Chưa hết, loài bướm còn có một hành vi tàn khốc mà các nhà khoa học thường gọi với thuật ngữ “hiếp dâm nhộng”.

Khi một con cái chuẩn bị thoát khỏi lớp vỏ nhộng trở thành bướm rồi tung cánh bay thì một nhóm các con đực đã vây quanh con cái, xô đẩy và vỗ cánh chèn ép nhau như những tình địch để chiếm được bạn tình. Kẻ chiến thắng của cuộc ẩu đả này sẽ được giao phối với con cái. Nhưng những con đực thường háo hức đến mức con cái chưa kịp thoát ra thì chúng đã dùng “vũ khí” xé toạc vỏ nhộng để giao phối.

Vì con cái bị mắc kẹt trong những vỏ nhộng và không có sự lựa chọn nào khác, nên thuật ngữ “hiếp dâm nhộng” xuất hiện. Một số nhà sinh vật học gọi với cái tên nhẹ nhàng hơn là “giao hợp cưỡng bức”.

Nếu xét về độ xảo trá, quỷ quyệt thì có lẽ họ hàng nhà bướm đều réo tên loài Maculinea rebeli. Những con sâu bướm Maculinea rebeli thậm chí còn lừa cả đàn kiến để được chúng cung phụng như một ông hoàng, bà chúa. Sâu bướm có thể tạo ra âm thanh bắt chước kiến chúa và khiến cả đàn bị lừa và hầu hạ nó. Những con kiến thợ cơm bưng nước rót cho chúng, kiến y tá thỉnh thoảng còn phải hy sinh những con kiến để cho chúng ăn khi thức ăn khan hiếm.

(Nguồn: Nationalgeographic)