Lớp 13 khởi đầu

Lớp 13 – không cô đơn

“Hôm nay cả lớp ngồi nói chuyện về “thất bại”… không thảm hại lắm của từng đứa. Đến lượt mình “bị” hỏi: “Ê, học giỏi như thế sao lại trượt?”. Cũng phải công nhận mình học giỏi (hì hì) nhưng vì ba năm cấp 3 say mê học vẽ để rồi đùng một cái… ba tháng trước khi thi đại học lại quyết định thi khối A. Cũng tại bố mẹ hết nằn nì, đe doạ rồi… giận dỗi: “Con phải thi Bách khoa để bố mẹ còn lo đầu ra chứ!”. Thiếu mất nửa điểm, và không còn cơ hội cho NV2, suốt cả tháng mình “núp” trong nhà.
 
Tệ thật! Nhưng rồi mình cảm thấy đây chính là cơ hội để mình quyết chọn con đường của mình. Năm nay mình sẽ thi Kiến trúc đấy!” – Trích nhật ký online của Tiến Đạt, một lớp trưởng lớp 13 ở HN. Một tâm trạng chung, là lớp 13 với các bạn thí sinh không qua được kỳ thi đại học, có tiếc nuối, có buồn, có day dứt nhưng chắc chắn là không cô đơn. Đã qua dần ấn tượng về những người nói :“Tôi học lớp 13” là bị coi như một kẻ chiến bại.
 
 Lớp 13 của bạn có thể ở trong một khu học ôn, có thể ở những miền đất xa lạ, nhưng cũng có khi ở chính gia đình mình. Một điều dễ thấy, là trong chặng nghỉ lớp 13, các bạn có thời gian để hiểu và gần gũi với gia đình hơn. Nhà Hùng ở Hà Nam có một xưởng gỗ. Cậu chàng lẻo khẻo thư sinh lần đầu tiên đòi bố dạy những bài học về gỗ. Cũng lưng trần vật lộn cưa xẻ, bào, đóng… chan chát cả ngày, chỉ ít lâu sau, bạn bè đi học về chơi thăm đã không nhận ra Hùng nữa.

Rắn rỏi hẳn lên ! Càng làm, bố con càng hiểu nhau và dễ san sẻ hơn. Bố cũng hiểu Hùng đã nỗ lực ra làm sao, và buồn vì thất bại thế nào. Hùng cũng hiểu bố đã hi sinh những gì cho cậu. Thế là Hùng ĐK vào trường trung học dạy nghề, học ngành Mộc. Ở đây cậu học nghề rất cụ thể, mong một ngày sẽ góp tay thao tác với bố, Hùng nuôi tham vọng trở lại mái trường ĐH với một điểm đến trọn vẹn mới : ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Khi khuynh hướng đã rõ ràng, mọi thứ đơn thuần hơn nhiều …

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Bạn đang đọc: Lớp 13 khởi đầu

 

Lớp 13 – chặng nghỉ chưa bao giờ vô ích

 
Trong khi bạn bè nằm nhà chờ điểm thi ĐH, Ánh – THPT Phan Đình Phùng đã tranh thủ bắt đầu công việc làm thêm đầu tiên trong đời là đi chạy bàn. Vất vả, làm đêm làm hôm nhưng với con trai sức dài vai rộng thì có xá gì. Được một thời gian, cậu chàng mê tít tài nghệ của anh chàng bar tender trong quán vì những màn lắc cổ tay điêu luyện và những ly cocktail sóng sánh thơm. Ánh lân la xin học nghề, tối tối tranh thủ lúc không phải chạy bàn để xem anh biểu diễn. Nhiều lần pha thử, nếm thử đến mức nhiều tối ngà ngà say, dần dà, Ánh thấy mình rất có năng khiếu cảm nhận vị rượu và sáng tạo các loại cocktail mới. Ánh muốn xin tiền bố mẹ cho đi học nghề này.
 
Biết rằng bố mẹ chưa chắc đã chấp nhận, nhưng Ánh vẫn tự để dành tiền đi làm mua nguyên liệu để tập pha chế. Đến lúc bố uống và tấm tắc khen ngon, Ánh đề xuất bố mẹ cho tiền đi học bài bản và hứa sẽ ôn thi ĐH Kinh tế để sau này có thể mở một quán bar kinh doanh riêng. Bố mẹ Ánh nói rằng dự án mở quán bar ở thời điểm hiện tại có vẻ hơi hão huyền, nhưng ít ra là thấy lần đầu cậu chàng say sưa với một việc gì đó, và chịu hứa học hành tử tế để duy trì đam mê, cũng thấy yên tâm hơn.
 
Cũng tương tự như Ánh, Thu Hiền, sau khi biết tin thi trượt, đã vận dụng những kiến thức sẵn có về nước hoa, mỹ phẩm của mình để xin đi bán các sản phẩm này trong các siêu thị lớn. Phong cách nhẹ nhàng, có duyên bán hàng khiến Hiền luôn là một trong những người dẫn đầu về doanh số của công ty. Hiền nhanh chóng thăng tiến lên vị trí quản lý sau 3 năm làm việc.
 
Trong lúc bạn bè vẫn miệt mài đi học thì Hiền đã có một công việc khá ổn định và túi tiền rủng rỉnh. Biết rằng vẫn phải có bằng ĐH thì mới tiếp tục thành đạt, với cái đích mơ ước là GĐ Marketing, Hiền đi học tại chức ĐH Kinh tế quốc dân buổi tối. Được tiếp thêm những bài học lý thuyết bổ trợ đầy thuyết phục cho công việc hàng ngày, Hiền tâm sự rằng cô cảm thấy quyết định ngày xưa của mình thật đúng đắn. Mở thêm một blog shop chuyên bán nước hoa, Hiền đang ngày càng ăn nên làm ra. Cô nàng lớp 13 ngày nào giờ đây bận rộn chẳng kém gì những bạn bè đỗ đạt năm nào.
 
Mai Chi – cựu học sinh THPT Thăng Long thì chia sẻ về một năm đầy sự kiện của mình. Chi tham gia một khoá học kỹ năng mềm để nâng cao tự tin bản thân, tập aerobic hàng ngày để lấy lại sức khoẻ sau thời ôn thi đầy mệt mỏi. Khi sức khoẻ khá lên, tự dưng tinh thần cũng phấn chấn. Tham gia nhiều hoạt động tình nguyện theo cộng đồng mạng, lúc đầu chỉ là đi cho có hội, dần dần Chi thấy rằng khi làm được một việc tốt, lại muốn làm thêm nhiều việc tốt nữa. Và muốn giúp được nhiều người, phải có tri thức và chỗ đứng trong xã hội. Một cô bé luôn được mẹ chiều chuộng, thời phổ thông sống có phần ích kỷ đã nhìn đời rất khác. Màu áo xanh tình nguyện của bạn bè cũng làm Chi mê tít và xốc lại tinh thần thi cử, chờ ngày được khoác lên mình chiếc áo ấy.
 

Lớp 13 – để vượt qua chính mình

 
Các hệ đào tạo liên thông, hoặc kết hợp với các trường ĐH ở nước ngoài, hệ tại chức, ĐH từ xa đang là điểm đến của rất nhiều thí sinh nuôi giấc mộng ĐH. Thu Mai – một SV hệ liên thông với trường ĐH của Úc nói: “Mình muốn được học nghiêm túc, chất lượng, vì chấp nhận đi đường vòng đồng nghĩa với việc bố mẹ tốn thêm nhiều tiền của. Mình muốn được tiếp xúc với môi trường, cách học quốc tế để năng động hơn năm thứ nhất trì trệ của nhiều bạn ở một số trường ĐH chính quy. Các hệ thống giúp tiếp cận thông tin quá phát triển nên mình nghĩ rằng bạn ở đâu, qua phương tiện gì không quan trọng, miễn là bạn bền bỉ và học có phương pháp”.

Anh Mạnh Hải – một “cây kéo vàng” nổi tiếng ở Sài Gòn cũng có một câu chuyện bôn ba đầy hấp dẫn. Mê tít ngành chế tạo máy ĐH Bách khoa, anh Hải ghi danh ở lại thành phố làm chạy bàn với mức lương lay lắt đủ cơm rau sống qua ngày, đêm ngủ ngay tại quán. 2 năm sau thi đỗ, học xong thì mới thấy mình không có duyên với nghề như mình tưởng, thế là quyết định đi lao động xuất khẩu ở Đức. Sang đó thấy mở beauty salon làm ăn được, về gom góp vốn liếng đầu tư mở một cái. Thuê mãi không được thợ làm tóc giỏi, anh bực mình xắn tay vào học. Ai dè có đôi bàn tay vàng mà lâu nay không biết.
 
Bạn bè vào Sài Gòn chơi, ngạc nhiên khi thấy chàng SV kỹ thuật lấm lem dầu mỡ ngày nào giờ múa kéo thoăn thoắt. Sau quãng thời gian dài bôn ba, anh mới nhận ra rằng mình hợp với một nghề trước đây chưa từng nghĩ đến. Chàng cử nhân cắt tóc tâm sự rằng những năm chạy bàn cho anh một đôi tay dẻo dai và một óc quan sát phán đoán tâm lý khách hàng tốt, những kinh nghiệm quý báu mà không trường lớp nào dạy được. Còn những năm ĐH cho anh một phương pháp tiếp thu tốt, cùng những kiến thức nền tảng đủ để có những cuộc trò chuyện tương đối tinh tế với khách.
 
Kỳ thi ĐH, ngoài ý nghĩa thực sự của nó, còn có một giá trị tinh thần to lớn, đó là thức tỉnh lại khả năng trong bản thân mỗi người, giúp thí sinh nhìn nhận lại chính mình. Nếu suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, một cánh cửa đóng lại trước mặt người nhiều nghị lực có thể sẽ đồng nghĩa với nhiều cánh cửa khác mở ra, tuy đường có thể xa hơn nhưng cũng rộng mở cơ hội hơn…