Học lớp 8, cô giáo bảo “Cứ yêu đi!”

Nhân kỷ niệm ngày 20/11, Infonet tiếp tục đăng tải loạt bài những kỷ niệm khó quên với thầy cô giáo cũ. Dưới đây là bài viết của học trò Phan Minh Sương dành cho cô giáo dạy văn lớp 8.

Tôi học cấp 2 trường Trung Đô, một ngôi trường nhỏ nằm kề núi Quyết, thành phố Vinh. Ngay khi vừa bước vào chặng đường học hành mới mẻ này, cô Tuyết là giáo viên dạy văn đầu tiên của tôi.

Học lớp 8, cô giáo bảo

Một tiết học ngoại khóa tiếng Anh ở trường THCS Trung Đô. Ảnh: Báo Nghệ An.

Cô dạy văn cho tôi chỉ hai kỳ, học kỳ một năm lớp 6 và học kỳ một năm lớp 8. Cô cũng là giáo viên chủ nhiệm của tôi vỏn vẹn học kỳ một của lớp Tám. Tuy nhiên, hẳn những người bạn cùng học lớp 8 với tôi năm đó sẽ không bao giờ quên được cô Tuyết.

Năm lớp 6, tôi nhớ mãi những ngày đầu tiên học về văn cảm nhận. Khi đó, cô Tuyết có ra đề bài hãy nêu cảm nhận của em về bài thơ Nga nói về hình ảnh người mẹ. Cô có dặn lớp tôi rằng các em đọc thơ và viết tất cả những gì các em nghĩ về nó.

Bởi vì bài thơ không có trong sách giáo khoa, cô đã chép lại nó lên bảng, đọc từng câu cho chúng tôi nghe. Chúng tôi có 1 tiết để làm và cô trả bài trong tiết văn sau.

Lần đó, bài văn cảm nhận của tôi được cô chấm 9 điểm và đọc trước cả lớp. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy môn văn thật tuyệt vời.

Cô giáo tôi nhận xét cặn kẽ ưu và nhược điểm của từng bài văn. Riêng đối với bài văn của tôi, cô đã nói về nó khá lâu. Cô nói rằng tôi có giọng văn buồn quá, nhưng chân thật, bởi tôi đã biết liên tưởng đến mẹ mình, đến công việc bán hàng ăn nặng nhọc sớm hôm của mẹ; bởi tôi biết nói về người mẹ của bạn hàng xóm giàu có nhưng vẫn đẹp và trong sáng.

“Em hãy viết những cảm nhận chân thật đó nhiều lần nữa sau này, với sự lạc quan nhiều hơn”, cô nói với tôi trước tất cả các bạn, “Văn, nói cho cùng là ghi lại cuộc sống, ghi lại suy nghĩ của con người về cuộc sống. Vì thế, các em hãy đừng làm văn mà hãy xem là đang nói về cuộc sống xung quanh các em”.

Rồi cứ vậy, đứa học sinh suốt ngày chúi mũi vào học toán như tôi bỗng dưng có thiện cảm hơn với môn văn. Từ việc phải cố làm sao để chép lại những câu văn mẫu trong sách hướng dẫn, tôi lại thích viết những gì mình nghĩ.

Vì thế, sau này khi không còn học cô Tuyết, bài kiểm tra văn của tôi đôi khi nhận được điểm 5 hoặc điểm 6, tôi không thấy buồn hoặc lo lắng nhiều. Đó là những lần tôi “vượt biên” bài giảng của cô giáo, viết những gì tôi thấy nên viết.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất có gắn với cô Tuyết có lẽ là năm tôi học lớp Tám. Đó là một ngày khi tôi bị cảm lạnh, đến lớp trong trạng thái sụt sùi, nước mắt nước mũi cứ tèm lem. Đó cũng là ngày mà cậu bạn chơi thân trong lớp với tôi tên Toàn, cũng là học trò cá biệt nhất trường, bị thầy hiệu trưởng gọi lên phòng và phạt quỳ. Chỗ cậu quỳ cả trường đều có thể nhìn thấy.

Sau giờ học văn của cô Tuyết, cũng là lúc đến giờ ra chơi 30 phút. Tôi và Vân Anh, một cô bạn thân học cùng lớp với tôi, được cô Tuyết gọi lên phòng giám hiệu. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời học sinh của tôi được gọi lên đấy mà không phải là để khen thưởng việc học hành.