Khó khăn trong dạy và học Tiếng Anh ở vùng cao

1-1615339370
Mặc dù đã được đầu tư đầy đủ máy tính, màn chiếu, loa đài nhưng trường Tiểu học Thượng Cửu vẫn chưa có phòng học Tiếng Anh riêng.
 
PTĐT – Thiếu giáo viên, thiếu thiết bị dạy học, đa số học sinh là người dân tộc thiểu số nên việc dạy và học Tiếng Anh trong các nhà trường ở huyện Thanh Sơn còn hạn chế, nhiều học sinh không đáp ứng được các kỹ năng cần thiết. Trước thực trạng đó, ngành giáo dục huyện Thanh Sơn đã nỗ lực, từng bước nâng cao, cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Tiếp cận còn nhiều khó khăn

Vượt qua quãng đường gần 40km từ trung tâm thị trấn Thanh Sơn, chúng tôi có mặt tại trường Tiểu học Thượng Cửu, xã Thượng Cửu. Trường có 393 học sinh ở 17 lớp học, trong đó điểm lẻ Sinh Tàn có 91 học sinh. Nhà trường bắt đầu triển khai chương trình Tiếng Anh 10 năm từ năm 2018-2019, tuy nhiên, với tỷ lệ 98% học sinh là dân tộc thiểu số, thì việc học ngoại ngữ trở thành “rào cản” lớn đối với cả thầy và trò nơi đây. 

11-1615339486
Cô Nguyễn Thị Cẩm Thuý – Hiệu trưởng trường Tiểu học Thượng Cửu cho biết: Do chủ yếu học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên phương ngữ khi phát âm Tiếng Anh gặp rất nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, trình độ học sinh không đồng đều, năng lực học sinh thấp, còn rụt rè trong giao tiếp nên việc tiếp cận lại càng khó khăn hơn. Các bậc phụ huynh ở đây còn chưa thực sự quan tâm đến việc học ngoại ngữ của các em tạo nên áp lực khá lớn đến giáo viên nhà trường.

2-1615339363
Em Chử Hương Giang, học sinh trường Tiểu học Thượng Cửu đạt giải Ba cuộc thi Câu lạc bộ Tiếng Anh cấp huyện năm học 2019-2020

Mặc dù áp dụng chương trình Tiếng Anh 10 năm từ 3 năm trước nhưng đến nay, trường vẫn chưa có phòng học ngoại ngữ riêng mà phải học nhờ ở văn phòng. Hiện tại, nhà trường có 2 giáo viên dạy Tiếng Anh, trong đó có một thầy giáo là giáo viên phụ trách cấp 2 và hỗ trợ việc giảng dạy tại điểm lẻ Sinh Tàn. Cách điểm trường chính gần 10km, điểm lẻ Sinh Tàn có 23 học sinh khối 3-4-5 học Tiếng Anh. Không chỉ cách xa trung tâm, những năm trước, điểm lẻ không có điện lưới nên phải sử dụng điện nước và năng lượng mặt trời, do đó không thể thực hành học nghe – một trong những kĩ năng quan trọng của việc học Tiếng Anh hiện hành.

Cùng chung khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất và tỉ lệ học sinh là dân tộc thiểu số cao, trường THCS Khả Cửu có 302 học sinh với 10 lớp học. Qua các cuộc khảo sát, chất lượng Tiếng Anh của trường chỉ đạt trung bình và nhiều năm liền, trường chưa có học sinh đạt giải cấp huyện. Thầy giáo Nguyễn Anh Phong – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Học sinh ở đây nhận thức chậm và phần lớn phụ huynh đều không có trình độ để bồi dưỡng thêm cho con cái nên gần như “phó mặc” việc học cho nhà trường. Hiện tại nhà trường đã có loa, đài, màn chiếu để phục vụ cho môn học nhưng vẫn chưa có phòng học riêng, dẫn đến ảnh hưởng đến một phần chất lượng dạy và học Tiếng Anh của giáo viên và học sinh.

3-1615339394
Với tỷ lệ 98% học sinh là dân tộc thiểu số, việc dạy và học ngoại ngữ tại trường THCS Khả Cửu còn rất nhiều khó khăn

12-1615339537

Vượt qua “rào cản”

Đến tận nơi, chứng kiến tận mắt mới thấy thật khó có thể kể hết những vất vả mà giáo viên và học sinh nơi đây đã và đang trải qua. Tuy nhiên, bằng niềm tin và trách nhiệm, các thầy, cô đã cố gắng bám trường, bám lớp, miệt mài “gieo” con chữ cho các em, cố gắng đưa sự nghiệp giáo dục ngoại ngữ ở miền núi xích lại gần hơn với miền xuôi.

13-1615339575

Để vượt qua những băn khoăn, trăn trở về chất lượng học sinh thuở ban đầu, trước hết cần phải đổi mới phương pháp dạy và học Tiếng Anh để tạo hứng thú cho học sinh. Thay vì việc chỉ chăm chăm vào sách giáo khoa và các bộ đề, nhà trường cho các em học sinh xem các clip, phim có phụ đề Tiếng Anh, học hát và chơi các trò chơi để các em làm quen với việc nghe nói nhiều hơn, đồng thời tăng khả năng giao tiếp và giúp các em tự tin hơn. Năm học này, nhà trường phấn đấu sẽ có một đến hai học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi Tiếng Anh cấp huyện.

4-1615339411
Cô Trần Thị Thu Hà, giáo viên Tiếng Anh trường THCS Khả Cửu hướng dẫn thêm cho học sinh

Bên cạnh mong muốn được đầu tư phòng học Tiếng Anh để tạo điều kiện thuận lợi cho cô và trò dạy học ngoại ngữ, thầy Nguyễn Anh Phong – Hiệu trưởng trường THCS Khả Cửu cho rằng cả giáo viên và học sinh đều phải cố gắng. “Tôi yêu cầu các cô giáo phải rà soát, bám sát năng lực của học sinh để kịp thời tổ chức phụ đạo thêm cho em nào năng lực yếu, tránh tình trạng không đồng đều”.

Xuất phát từ sự yêu mến các em học sinh ngoan ngoãn, điều kiện hoàn cảnh khó khăn, cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Tiếng Anh trường Tiểu học Thượng Cửu tâm niệm: Tôi nghĩ rằng kiên trì, cố gắng thì sẽ gặt hái được quả ngọt. Mặc dù số lượng học sinh ít nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức rà soát chọn học sinh có năng khiếu để bồi dưỡng. Không phụ lòng mong mỏi, năm học 2019-2020, chúng tôi có một học sinh tham gia thi Câu lạc bộ Tiếng Anh cấp huyện và đạt giải Ba. Bên cạnh việc điểm lẻ Sinh Tàn đã có điện lưới thì năm học tới, nhà trường sẽ được đầu tư phòng học Tiếng Anh mới nên cả cô và trò đều rất háo hức và tự nhủ luôn phải không ngừng cố gắng.

Ông Vi Đại Phong- Trưởng phòng GD&ĐT huyện khẳng định: Ba năm trở lại đây, huyện Thanh Sơn đã thực hiện dạy học Tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3. Huyện đã bố trí đội ngũ giáo viên đủ số lượng, đảm bảo trình độ đào tạo; tăng cường tập huấn và tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm, trường để nâng cao trình độ cho giáo viên. Đổi mới phương pháp và hình thức dạy học ngoại ngữ; đồng thời tổ chức các kỳ thi, cuộc giao lưu,… nhằm nâng cao các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh. 

Kết quả, tháng 12/2020, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Sơn đã tham gia giao lưu các Câu lạc bộ Tiếng Anh dành cho học sinh THCS cấp tỉnh và đạt giải Nhì toàn đoàn. Em Hồ Thu Giang, học sinh trường THCS Lê Quý Đôn đạt giải Nhất phần thi hùng biện. Đó là thành tích không nhỏ đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Thanh Sơn.

Với sự nỗ lực, cố gắng của nhà trường, giáo viên và học sinh, sự quan tâm, đầu tư kịp thời của ngành chức năng, hy vọng trong những năm học tới, quy mô, chất lượng, hiệu quả dạy và học môn Tiếng Anh trên địa bàn huyện sẽ không ngừng được nâng lên, góp phần thực hiện thành công Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2020-2025”.