Các loại thuốc bôi trị ngứa ngoài da ít có tác dụng phụ hơn so với thuốc uống nên thường được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân. Mặc dù vậy, trong quá trình sử dụng thuốc, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề nhất định để đảm bảo tính an toàn và đạt được hiệu quả tối ưu.
Các loại thuốc bôi trị ngứa ngoài da tốt nhất
Ngứa ngoài da là biểu hiện của nhiều vấn đề về da liễu hoặc các bệnh lý ở gan, thận. Để nhanh chóng cắt đứt cơn ngứa, bạn có thể cân nhắc sử dụng một trong các loại thuốc bôi dưới đây:
1. Thuốc trị ngứa ngoài da Hydrocortisone Cream 1%
Hydrocortisone Cream 1% là một trong những loại thuốc bôi đang được sử dụng phổ biến trong điều trị ngứa ngoài da. Chứa thành phần chính là Hydrocortisone 1% kết hợp cùng cetomacrogol, loại thuốc này có tác dụng sát trùng, tiêu viêm, giảm ngứa, làm dịu kích ứng trên da.
Thuốc Hydrocortisone Cream 1% có tác dụng giảm nhanh cơn ngứa liên quan đến các bệnh lý như viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, bệnh nổi mề đay hay chàm da. Trường hợp bị ngứa do vết đốt côn trùng hoặc ngứa ở bộ phận sinh dục, hậu môn, bạn cũng có thể sử dụng loại thuốc này.
Chống chỉ định sử dụng thuốc bôi Hydrocortisone Cream 1% cho các trường hợp bị dị ứng với thành phần của kem, người đang mắc bệnh về mắt, da bị lở loét, nhiễm trùng. Tránh dùng loại thuốc này để điều trị ngứa âm đạo nếu dịch tiết, huyết trắng ra quá nhiều.
Cách dùng thuốc:
- Bôi thuốc mỗi ngày từ 3 – 4 lần
- Khi sử dụng, rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn rồi lấy một lượng thuốc vừa đủ thoa một lớp mỏng lên bề mặt vùng da bị ngứa. Tránh bôi quá nhiều gây bít tắc lỗ chân lông và khiến da dễ bị kích ứng.
Theo đánh giá của các bệnh nhân, khi thoa lên da kem Hydrocortisone 1% dung nạp khá nhanh. Thuốc ít khi gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, bạn cũng nên thận trọng ngưng sử dụng thuốc ngay khi có các dấu hiệu dị ứng thuốc như sưng đỏ da, nổi mẩn đỏ, phát ban…
Giá bán tham khảo: Khoảng 300.000 đồng/ hộp
2. Thuốc bôi Eucerin trị ngứa da
Thuốc trị ngứa ngoài da Eucerin được nhập khẩu từ Đức và hiện đang có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Các thành phần bào chế của thuốc bao gồm Acid béo Omega – 6, Licochalcone, ure, tinh dầu bạc hà, chiết xuất từ bột yến mạch, rượu cetyl kết hợp với rượu Lanolin. Chúng có tác dụng làm mềm, chống khô da, điều trị mụn trứng cá, hăm tã.
Ngoài ra, kem Eucerin cũng được sử dụng để bôi ngoài da nhằm điều trị triệu chứng ngứa da, viêm da do da bị kích ứng nhẹ hoặc do mắc bệnh chàm. Không sử dụng thuốc bôi lên vết thương hở hoặc vùng da đang bị viêm loét, có vết bỏng nặng. Thuốc cũng không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai, người đang cho con bú, đối tượng bị nhiễm trùng da hoặc đang bị kích ứng da nghiêm trọng.
Cách sử dụng:
- Làm sạch vùng da bị ngứa và thấm khô bằng khăn mềm
- Mở nắp bảo vệ, bóp nhẹ tuýp thuốc lấy một lượng kem vừa đủ thoa lên vùng da cần điều trị theo đường tròn một cách nhẹ nhàng.
- Sử dụng thuốc 1 – 2 lần trong ngày để da nhanh hết ngứa
Giá bán tham khảo: Khoảng 420.000 – 485.000 đồng/tuýp
3. Thuốc bôi trị ngứa ngoài da Phenergan
Thuốc Phenergan cũng thường được bác sĩ chuyên khoa da liễu kê đơn cho các trường hợp bị ngứa ngoài da do nổi mề đay, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc hoặc do bị dị ứng da. Chứa thành phần chính là Promethazin, khi thoa lên da thuốc sẽ nhanh chóng thẩm thấu và phát huy tác dụng giảm ngứa, chống viêm da bằng cách kháng histamin.
Trong quá trình sử dụng, thuốc bôi trị ngứa da Phenergan có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng hoặc gây kích ứng da. Tránh sử dụng loại thuốc này nếu bạn bị dị ứng với thành phần của thuốc, mang thai, có vết thương hở ở vùng da cần điều trị, nhiễm trùng da hoặc có tiền sử mắc bệnh rối loạn chuyển hóa. Trẻ em dưới 2 tuổi cần có sự đồng ý của bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Cách sử dụng:
- Bôi thuốc trực tiếp lên vùng da bị ngứa mỗi ngày từ 3 – 5 lần
- Tránh bôi thuốc gần mắt hay các vùng niêm mạc khác
Giá bán tham khảo: Thuốc Phenergan hiện đang được bán trên thị trường với giá khoảng 15.000 đồng/ tuýp 10g.
4. Thuốc bôi chữa ngứa ngoài da Ketoconazol cream 2%
Tiếp theo trong danh sách các loại thuốc trị ngứa ngoài da dạng bôi đang được sử dụng phổ biến hiện nay là Ketoconazol cream 2%. Thuốc được bào chế từ thành phần Ketoconazole – hoạt chất có tác dụng kháng nấm, tiêu diệt ký sinh trùng. Chính vì vậy, loại thuốc này thường được kê đơn cho các đối tượng bị ngứa da trong các bệnh lý do nhiễm trùng nấm gây ra, chẳng hạn như lang ben, hắc lào hay nấm kẽ tay, kẽ chân. Đôi khi, các trường hợp bị nước ăn tay hoặc nhiễm trùng da nhẹ cũng có thể bôi Ketoconazol cream 2% để giảm ngứa và cải thiện các triệu chứng liên quan.
Thuốc Ketoconazol cream 2% có tác dụng kháng nấm, giảm ngứa tốt nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Thường gặp nhất là tình trạng kích ứng da, nhờn da, khô da, rụng tóc, sưng đỏ da hoặc nổi mề đay do dị ứng thuốc. Để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người đang cho con bú hoặc các trường hợp quá mẫn với Ketoconazole không nên sử dụng loại thuốc bôi trị ngứa ngoài da này.
Cách sử dụng:
- Bôi thuốc lên vùng da bị ngứa 1 – 3 lần mỗi ngày tùy theo tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ
- Thời gian điều trị có thể kéo dài trong 1 tuần hoặc lâu hơn.
Giá bán tham khảo: Khoảng 10.000 đồng/tuýp 5g.
5. Thuốc Gentrisone trị ngứa ngoài da
Gentrisone nằm trong nhóm các loại thuốc trị bệnh da liễu có tác dụng tại chỗ. Mỗi tuýp 10g chứa các thành phần gồm 6,4mg Bentamethason dipropionat, 100mg Clotrimazol và 10mg Gentamicin kết hợp cùng các loại tá dược khác.
Khi thoa ngoài vùng da bị tổn thương, kem Gentrisone có thể giúp kháng viêm, giảm ngứa da, điều trị các bệnh lý như viêm da đáp ứng corticoid, viêm da do nhiễm trùng thứ phát, eczema, viêm da cơ địa, nấm da hay lang ben. Bên cạnh các đối tượng dị ứng với thành phần của thuốc, Gentrisone cũng không an toàn cho một số đối tượng bị loét da, lao da, giang mai, viêm da do Herpes Zoster hoặc bị chàm ở tai có thủng màng nhĩ.
Cách sử dụng thuốc:
- Trước tiên, làm sạch vùng da bị ngứa và dùng khăn mềm thấm khô
- Nặn một ít thuốc ra đầu ngón tay và nhẹ nhàng thoa một lớp mỏng bao phủ toàn bộ bề mặt da bị ngứa.
- Tránh để da tiếp xúc hay cọ sát vào quần áo khi chưa thẩm thấu hoàn toàn vào trong da
- Sử dụng thuốc mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Tránh lạm dụng quá mức khiến cơ thể gặp tác dụng phụ.
Giá bán tham khảo: Khoảng 40.000 – 50.000 đồng/tuýp.
6. Thuốc chữa ngứa ngoài da Sihiron
Sihiron là thuốc bôi chữa ngứa ngoài da thường được chỉ định cho các đối tượng bị nhiễm trùng nấm, vi khuẩn hoặc người bị ngứa do viêm da tiếp xúc, nấm da, lang ben hay viêm da dị ứng. Các thành phần có trong thuốc bao gồm Betamethason dipropionat, Clotrimazol phối hợp cùng Gentamicin.
Không thoa thuốc lên vùng da bị trầy xước, lở loét. Ngoài ra, bệnh nhân bị Eczema tai ngoài có thủng màng nhĩ hoặc các trường hợp quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc đều không được chỉ định thuốc bôi trị ngứa ngoài da Sihiron.
Cách sử dụng:
- Bôi thuốc lên vùng da bị ngứa 2 – 3 lần trong ngày
- Tránh sử dụng thuốc liên tục quá 3 tuần mà không có sự cho phép của bác sĩ.
- Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu trước khi sử dụng thuốc.
Giá bán tham khảo: Khoảng 20.000 đồng/tuýp 10g
7. Thuốc bôi Clotrimazole trị ngứa ngoài da
Clotrimazole là thuốc bôi thường được bác sĩ chuyên khoa lựa chọn để điều trị nhiều vấn đề về da liễu như ngứa da, nấm bẹn, lác đồng tiền, lang ben hay nhiễm nấm âm đạo. Thuốc chứa thành phần Clotrimazole – một loại hoạt chất kháng nấm phổ rộng có khả năng ức chế sự sinh trưởng của vi nấm gây ngứa da.
Ngoài kem bôi, thuốc Clotrimazole còn có nhiều dạng bào chế khác như viên đặt âm đạo, thuốc bột rắc ngoài da, dung dịch nhỏ tai hay bôi miệng… Chống chỉ định dùng thuốc cho các trường hợp quá mẫn với bất cứ thành phần nào có trong Clotrimazole.
Cách sử dụng:
- Rửa tay sạch sẽ và vệ sinh vùng da bị ngứa
- Lấy một lượng kem thuốc vừa đủ bôi lên da, mát xa vài phút để kem hoàn toàn thẩm thấu vào trong.
- Tần suất sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Giá bán tham khảo: Đang chờ cập nhật
Lưu ý khi dùng thuốc bôi trị ngứa ngoài da
- Thuốc bôi trị ngứa ngoài da có nhiều loại phục vụ cho các mục đích sử dụng khác nhau. Tùy theo nguyên nhân hoặc các triệu chứng đi kèm khác mà bạn lựa chọn loại có thành phần phù hợp.
- Mặc dù chỉ có công dụng điều trị tại chỗ nhưng thuốc bôi cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Bạn chỉ nên dùng thuốc được bác sĩ kê đơn.
- Thoa thuốc đúng liều trong thời gian được bác sĩ khuyến cáo. Không bôi quá dày gây lãng phí và có thể khiến da bị kích ứng.
- Trường hợp gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc bôi trị ngứa ngoài da, bạn nên nhanh chóng lấy nước rửa sạch vùng da bị ảnh hưởng, ngưng bôi thuốc và thông báo cho bác sĩ biết.
Có thể bạn quan tâm
- Nổi Mẩn Đỏ Ngứa Ở Cổ Là Bệnh Lý Gì? Cách Khắc Phục Tốt Nhất
- Bệnh phong ngứa: Cách nhận biết và điều trị dứt điểm, không tái phát